Thăm chùa Hoằng Phúc 700 năm tuổi cổ nhất miền Trung

Thăm chùa Hoằng Phúc 700 năm tuổi cổ nhất miền Trung

Đến với vùng đất Quảng Bình, bên cạnh việc khám phá các hang động kỳ vĩ hay vui chơi tại những khu du lịch, những ai quan tâm đến các du lịch tâm linh đừng bỏ qua Chùa Hoằng Phúc – ngôi chùa cổ nhất miền Trung với niên đại 700 năm tuổi. Chùa Hoằng Phúc sở hữu kiến trúc đẹp mắt và nổi tiếng linh thiêng, gắn liền với nhiều câu chuyện, giai thoại lịch sử. Cùng Vietnam Tourist Quảng Bình khám phá ngôi chùa cổ này trong bài viết dưới đây nhé.

Chùa Hoằng Phúc ở đâu?

Chùa Hoằng Phúc nằm ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ngôi chùa toạ lạc trên một khu đất cao và rộng có diện tích 10.000m2, không gian có nhiều cây xanh, thoáng đãng và thanh tịnh.

Cách di chuyển đến chùa Hoằng Phúc

Để tham quan chùa Hoằng Phúc, du khách có thể chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy đều được. Từ Đồng Hới, các bạn chạy theo quốc lộ 1A hướng Nam, sau đó rẽ vào đường DT16 để vào trung tâm thị trấn Kiến Giang, đi thêm một đoạn nữa là đến chùa.

Hoằng Phúc – ngôi chùa cổ linh thiên tại Quảng Bình

Đến với chùa Hoằng Phúc, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều nét đặc sắc của ngôi chùa cổ xưa nhất miền Trung Việt Nam.

Kiến trúc chùa cổ

Chùa Hoằng Phúc được xây dựng theo kiến trúc chùa truyền thống với tam quan nội, tam quan ngoại, tháp Phật, tòa Tam Bảo, nhà thờ Tổ, hành lang tả hữu đến am hóa vàng. Về cổ vật, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều nét cổ xưa như: tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát; chuông đồng nặng 80kg, cao 1.1m với đường kính 0.5m có từ thời vua Minh Mạng; Địa tạng Vương Bồ Tát; lư hương, tòa sen, bình hoa,... Đây đều là những bảo vật quý hiếm trong kho tàng cổ vật lịch sử Việt Nam.

Đặc biệt, trong chùa còn có một bức hoành phi do chúa Nguyễn đích thân ban tặng có dòng chữ “vô song phúc địa” mang ý nghĩa ca ngợi đây là vùng đất thiêng có một không hai.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Myanmar vào năm 2016 đã trao tặng chùa Hoằng Phúc một viên xá lợi xương của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được rước từ chùa Shwedagon, cũng là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng tại Myanmar.

Ngôi chùa linh thiêng với nhiều giai thoại

Theo nhiều thông tin sử học, chùa Hoằng Phúc xuất phát từ am thờ Phật của thôn Tri Kiến, thuộc huyện Tri Kiến thời xưa, còn được gọi là am Tri Kiến. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến am này để thuyến giảng vào năm 1301, cho thấy chùa đã được xây dựng trước thời điểm năm 1301. Tính đến nay, chùa đã có tuổi đời hơn 700 năm và được xem là ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam.

Chùa Hoằng Phúc được nhiều  nhân vật lịch sử trong giai đoạn phong kiến như Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị,... rất quan tâm trùng tu phục dựng và chấn hưng, đến thuyết giảng. Mục đích mong muốn nâng cao sự hòa đồng dân tộc, hỗ trợ việc mở bờ cõi, kết nối cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Chùa đã trả qua 6 triều đại phong kiến gồm nhà Trần, nhà Hồ, Hậu Lê, nhà Mạc, Tây Sơn và triều đại Nhà Nguyễn, cùng với đó là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Do đó, tại đây hiện diện đa nguồn gốc đa phong cách, đa chất liệu của các hệ tượng, pháp khí Phật giáo.

Ngôi chùa này đã trải qua nhiều lần tu sửa, phục dựng và được Bộ văn hoá thể thao và du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nơi thờ tự linh thiêng

Chùa Hoằng Phúc là địa điểm du lịch tâm linh được người dân địa phương và du khách gần xa ghé thăm, vô cùng đông đúc vào những ngày đầu xuân năm mới. Vào ngày đầu năm, người dân thường đến chùa gieo quẻ để nhận lấy những bao lì xì đỏ chứa những lời chúc may mắn, treo những điều ước lên dải vải đỏ để gửi gắm nguyện vọng lên trời cao. Các dịp lễ khác như rằm tháng giêng, lễ Phật Đản, lễ Vu lan, chùa cũng đón một lượng khách lớn đến viếng.

Đến đây, chúng ta không chỉ cầu mong phước lành mà còn cùng nhìn ngắm lại những ngày tháng đã qua, hướng về những điều tốt đẹp. Dù khá đông người nhưng ai vào chùa cũng đều thanh tịnh, không ồn ào xô bồ, đem lại cảm giác yên bình, dễ chịu.

Những lễ hội đặc sắc

Vào dịp đầu năm và các thời gian quan trọng theo quan niệm của Phật Giáo, chùa Hoằng Phúc tổ chức các lễ hội độc đáo. Lễ hội tại chùa được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của vùng đất Lệ Thuỷ, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà và bình an cho người dân. Phần lễ được tổ chức trang trọng với sự tham gia của nhiều phật tử, dân địa phương, có nghi thức thuyết giảng, quy y tam bảo, giúp Phật tử hiểu sâu về giáo lý nhà Phật, hướng thiện, tu tập chuyên tâm.

Lễ cúng thí thực âm linh cô hồn rất quan trọng trong lễ hội chùa Hoằng Phúc, thể hiện lòng từ bi của đạo Phật, cầu siêu cho linh hồn chưa được siêu thoát. Ngoài ra, trong chương trình còn có lễ thả đèn hoa đăng, chương trình văn nghệ truyền thống, lễ khai ấn… Tuỳ theo quy mô lễ hội mà sẽ có các hoạt động phù hợp. Các lễ hội tại chùa Hoằng Phúc thu hút rất đông Phật tử, dân địa phương, du khách tham gia.

Những lưu ý khi tham quan chùa Hoằng Phúc

Nếu có dự định ghé thăm chùa Hoằng Phúc trong hành trình du lịch Quảng Bình, các bạn nên chú ý một số điểm quan trọng sau đây:

  • Nên lựa chọn trang phục lịch sự, áo dài, quần/váy dài quá đầu gối, tránh mặc đồ quá hở, loè loẹt, sẽ không phù hợp với sự trang nghiêm, thanh tịnh trong chùa.
  • Vào chùa nên giữ yên tĩnh, không nói chuyện quá lớn, đùa giỡn, gây ảnh hưởng đến không gian trang trọng, linh thiêng trong chùa.
  • Không nên đem quá nhiều đồ lễ, vàng mã vào chùa.
  • Không xã rác bừa bãi, ngắt cây, ngắt hoa, ảnh hưởng đến không gian chùa.
  • Không gây ảnh hưởng đến việc tu tập của các sư tăng trong nhà chùa.

Những địa điểm du lịch gần chùa Hoằng Phúc

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đây là ngôi nhà mà Đại tướng đã sinh sống từ khi chào đời đến năm 13 tuổi, có địa chỉ tại  làng An Xá, thuộc xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Ngôi nhà có kiến trúc xưa, với 3 gian, 2 chái, mái lợp đơn giản, chái tranh ín đáo. Nội th trong nhà khá đơn giản với bàn thờ gia tiên ở trung tâm, hai bộ bàn ghế, các vật dụng gia đình đơn sơ, những tấm ảnh kỷ niệm của Đại tướng được treo trên tường trong nhà đem lại cảm giác thân thuộc gần gũi. Không gian xung quanh nhà khá thoáng, có nhiều cây xanh.

Khe nước lạnh

Khe nước lạnh nằm ở xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ với các con suối nhỏ chảy róc rách len lỏi qua những khe đá, tạo nên cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm ngoài trời. Các bạn có thể tắm suối, tham gia các hoạt động vui chơi tại đây và thưởng thức những món ăn hấp dẫn.

Bang Onsen Spa & Resort

Suối khoáng nóng Bang Onsen thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, nằm giữa núi rừng Trường Sơn hùng Vĩ. Suối có nguồn gốc từ núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, nhiệt độ sôi trung bình khoảng 105 độ C, là suối khoáng nóng có độ sôi cao nhất Việt Nam. Trong nước suối chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khoẻ, hỗ trợ chăm sóc các bệnh xương khớp và da liễu rất tốt.

Hang Chà Lòi

Hang Chà Lòi thuộc xã Ngân Thuỷ, huyện Lê Thuỷ cũng là một điểm du lịch đẹp gần với chùa Hoằng Phúc. Đây là một hang động có 3 tầng, chiều rộng nằm trong khoảng 30-100m, độ cao trung bình 60m.  Hang được hình thành do dòng nước chảy qua khe núi, bào mòn đá vôi. Thạch nhũ trong hang có hình dáng độc đáo, màu sắc đẹp. Khi vào tham quan hang, du khách có thể cảm nhận không khí mát lạnh, trong lành. Đặc biệt, trong hang có một “đường hầm tình yêu” là một lối đi hình trái tim được tạo nên từ bàn tay của mẹ thiên nhiên.

Đến với chùa Hoằng Phúc và các địa điểm du lịch Quảng Bình để khám phá những kỳ quan độc đáo, trải nghiệm cuộc sống và lễ hội của nơi đây. Những ngày thư giãn tại vùng đất này giúp du khách giải toả căng thẳng, mệt mỏi, tràn đầy năng lượng để làm việc và học tập hiệu quả.

Du lịch Quảng Bình cùng Vietnam Tourist Quảng Bình với chùm tour du lịch siêu hot 2025 - tour hấp dẫn - giá tiết kiệm. Liên hệ đến hotline hoặc fanpage, đội ngũ nhân viên sẽ tư vấn và hỗ trợ tận tình.